Thứ 2 - 6: Sáng : 7h15 - 12h, Chiều: 13h30h - 17h / Thứ 7: 7h30 - 12h
Hotline : 0989819115
Cấp cứu: 0989819115

XỬ TRÍ CHẢY MÁU TÚI THỪA TÁ TRÀNG

Bệnh nhân nữ 78 tuổi, tiền sử tăng huyết áp, không rõ tiền sử bệnh lý dạ dày tá tràng. Xuất hiện đại tiện phân đen 3 ngày, không nôn máu. Vào viện được xét nghiệm máu cấp cứu phát hiện thiếu máu cần phải truyền máu.

 

Bệnh nhân nhập viện Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội, truyền 02 đơn vị máu, dùng PPI bơm tiêm điện trong 72 giờ, nội soi dạ dày tá tràng, đại trực tràng vào ngày hôm sau. Nội soi gây mê chẩn đoán với Hệ thống nội soi Olympus hiện đại (có khả năng phát hiện và chẩn đoán ung thư sớm) nhận định nguyên nhân xuất huyết tại túi thừa D2 tá tràng, đại tràng không thấy tổn thương chảy máu. Bệnh nhân được can thiệp cầm máu qua nội soi, chuyển về Khu điều trị nội trú theo dõi tiếp. Chụp cắt lớp vi tính 384 dãy chẩn đoán xác định túi thừa D2 tá tràng kích thước khoảng 5cm, có hình ảnh máu cục trong túi thừa và điểm thoát thuốc. Xét nghiệm máu thấy hồng cầu, huyết sắc tố, hematocrite đều giảm so với sau khi truyền máu. Bệnh nhân tiếp tục đại tiện thêm phân đỏ đen.

 

Hội chẩn chuyên môn chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân: Xuất huyết tiêu hóa cao do chảy máu túi thừa đoạn D2 tá tràng.

Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi cắt túi thừa D2 tá tràng, thời gian phẫu thuật 80 phút, lượng máu mất thấm gạc, sử dụng dao hàn mạch Ligasure và máy cắt nối tiêu hóa nội soi Covidien.

 

Hình 01: Phẫu thuật nội soi cắt túi thừa D2 tá tràng có biến chứng

Khó khăn trong phẫu thuật: túi thừa D2 tá tràng nằm cạnh nhú tá lớn là nơi đổ vào của ống tụy và ống mật chủ, dễ tổn thương. Khắc phục: chúng tôi kết hợp với ekip nội soi tiêu hóa trong mổ, kiểm tra song song thì cặp, cắt túi thừa, tránh tổn thương nhú tá lớn.

 

Hình 02: Ekip nội soi giúp xác định vị trí nhú tá lớn và túi thừa

Diễn biến sau mổ: trung tiện ngày thứ 2, có thể ngồi dậy, cho ăn ngày thứ 3, xét nghiệm máu tiến triển so với trước mổ. Bệnh nhân đại tiện phân vàng ngày thứ 5 sau mổ. Ra viện ngày thứ 7.

 

 

Một số vấn đề liên quan đến bệnh lý túi thừa tá tràng:

 

  • Túi thừa tá tràng có thể là bẩm sinh hay mắc phải, nhưng thường do mắc phải. Túi thừa tá tràng bẩm sinh có tất cả các lớp của thành tá tràng, còn dạng mắc phải là do thoát vị của lớp niêm mạc, cơ niêm hay lớp dưới niêm qua một chỗ yếu trên thành ruột, thường ở các nhú tá tràng, nên khu vực xung quanh bóng Vater là vị trí hay gặp nhất về mặt bệnh học.

  • Túi thừa tá tràng có thể gặp các biến chứng: viêm, chèn ép vào đường mật-tụy, xuất huyết, thủng túi thừa… Xử trí tùy theo biến chứng có thể điều trị nội khoa, can thiệp thủ thuật hay phẫu thuật.

  • Khuyến cáo: Bệnh nhân có bệnh lý về dạ dày, tá tràng cần được khám và nội soi tiêu hóa tại cơ sở chuyên khoa tiêu hóa khi có các triệu chứng đau bụng vùng trên rốn nhiều đợt, nôn máu, đại tiện phân đen, hoặc có các triệu chứng vàng da tắc mật không rõ nguyên nhân.

ThS.BS. Vũ Trung Trực, ThS.BS. Nguyễn Trí Cương,

BS. Trần Quốc Đệ và ekip BS gây mê hồi sức.

Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội. 12A Chu Văn An, Ba Đình, Hà Nội.

Tel.: 09379.666.83

Tài liệu tham khảo

Duodenal Diverticulitis: To Operate or Not To Operate?

https://thuctapngoai.wordpress.com/tag/tui-thua-ta-trang/

Bs Vũ Trung Trực