Cơ hoành là cấu trúc cân cơ có hình vòm ngăn cách giữa các tạng trong ổ bụng và lồng ngực. Thoát vị hoành tức là các cơ quan bình thường phải ở trong ổ bụng vì một lý do nào đó lại di chuyển lên khoang lồng ngực và gây ra những triệu trứng khó chịu cho bệnh nhân hoặc không.
Ở trẻ em, khiếm khuyết này có thể xảy ra ngay từ khi mới chào đời, gọi là thoát vị hoành bẩm sinh. Ở người lớn, thoát vị hoành thường do mắc phải sau chấn thương, tai nạn.
Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào, nếu thoát vị cơ hoành xảy ra cấp tính, các tạng trong ổ bụng chèn ép tim, phổi gây ảnh hưởng hô hấp đều cần phẫu thuật cấp cứu để đảm bảo tính mạng. Ngược lại, nếu khối thoát vị nhỏ, không kẹt, người bệnh có thể được sắp xếp can thiệp theo chương trình.
Phân loại thoát vị hoành.
Loại A: thoát vị trượt, là loại phổ biến nhất gặp ở cả hai bệnh nhân lớn tuổi và trẻ tuổi. Trong loại này, phần khuyết tâm vị được đẩy trên cơ hoành, gây thoát vị đối xứng một phần trên của dạ dày.
Các kiểu thoát vị hoành:
Loại B: thoát vị cuốn. Phần đáy vị bị cuốn lên trên chỗ nối thực quản – dạ dày, khuyết tâm vị vẫn nằm ở dưới cơ hoành. Thoát vị này thường là biến chứng của phẫu thuật củng cố cơ vòng thực quản dưới trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản.
Loại C: Hỗn hợp. Là một kết hợp giữa thoát vị trượt và thoát vị cuốn. Cả khuyết tâm vị và phần đáy vị được đẩy trên cơ hoành, với đáy vị di chuyển thậm chí còn cao hơn so với khuyết tâm vị. Hay gặp những bệnh nhân lớn tuổi, ban đầu có thể xuất hiện một thoát vị trượt sau đó phát triển thành oại hỗn hợp.
Loại D: Thoát vị phức tạp, may mắn là thường hiếm. Nó được định nghĩa bởi thoát vị trong lồng ngực của các cơ quan khác, chẳng hạn như đại tràng, ruột non, và mạc nối,…và túi thoát vị bên trên cơ hoành.
Nguyên nhân của thoát vị cơ hoành:
Tổn thương cơ hoành do chấn thương.
Thoát vị hoành bẩm sinh.
Tăng áp lực ổ bụng đột ngột chẳng hạn như khi ho, hắt hơi, nôn mửa, rặn khi táo bón, trong khi nâng vật nặng…
Đối tượng có nguy cơ bị thoát vị hoành?
Bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc thoát vị hoành. Tuy nhiên những người ở độ tuổi trên 50 và phụ nữ thừa cân dễ mắc bệnh hơn.
Triệu chứng thoát vị hoành?
Có thể người bệnh có triệu chứng khác nhau tùy mức độ về tiêu hóa hoặc hô hấp.
Có thể ợ nóng, ợ hơi hoặc
Có thể bị khó nuốt,
Có những cơn đau ngực, đau bụng dữ dội,
Buồn nôn, ói mửa,
Không thể đại tiện, khó thở…
Chính bởi vậy nên bệnh rất có thể bị bỏ xót hoặc chẩn đoán nhầm với một số bệnh như đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, đau thắt ngực…
Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị hoành.
Đối với phẫu thuật nội soi, người bệnh được can thiệp tối thiểu thông qua các lỗ rất nhỏ trên da, đưa các ống nhỏ, mỏng và linh hoạt, bên trong ống có chứa máy ảnh cũng như các dụng cụ can thiệp vào lồng ngực và ổ bụng. Hình ảnh thu nhận trên camera sẽ được chiếu lên màn hình, hướng dẫn cho các bác sĩ điều khiển dụng cụ bên trong cơ thể người bệnh.
Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là đạt độ thẩm mỹ cao với vết sẹo rất nhỏ trong khi phẫu thuật hở lại có diện can thiệp rộng, cần nhiều thời gian phục hồi, nguy cơ lành sẹo xấu.
Tuy vậy, các trung tâm muốn có khả năng phẫu thuật nội soi sửa chữa cơ hoành thì đòi hỏi cần có hệ thống máy móc, trang bị theo yêu cầu kỹ thuật nội soi, phẫu thuật viên được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm nhằm hạn chế nguy cơ tái phát.
Ca lâm sàng.
Ngày 09/01/2021 bênh nhân nữ tên H.T.P 78 tuổi vào nhập viện tại trung tâm Kỹ Thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn với lý do đau bụng âm ỉ liên tục nhiều ở vùng thượng vị có lúc đau dữ dội và đau tức ngực nhiều ở bên trái. Tại đây bệnh nhân đã được các bác sỹ cho chụp cắt lớp vi tính và phát hiện thoát vị hoành thể hỗn hợp qua khe thực quản, tạng thoát vị là dạ dày.
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính của bệnh nhân
Bs. Trần Nguyễn Nhật