TÁO BÓN: NHỮNG NGUYÊN NHÂN
CẦN BIẾT ĐỂ PHÒNG BỆNH HIỆU QUẢ
========================
THÔNG TIN CƠ BẢN TÁO BÓN
Táo bón là tình trạng đi đại tiện khó khăn, nhiều ngày mới đi một lần, mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều, phải vận dụng nhiều cơ thành bụng và cơ hoành để tống phân ra ngoài. Phân rắn thành cục, mật độ cứng có thể dính theo máu tươi do cọ xát vào niêm mạc hậu môn, có khi dính theo những chất nhầy của đại tràng, trực tràng.
Th.S Bác sĩ Nguyễn Ngọc Đan, Chuyên gia Tiêu hóa Trung tâm Kỹ Thuật cao BVĐK Xanh pôn, Giảng Viên bộ môn Ngoại Trường ĐH Y Hà nội,
Táo bón là một vấn đề sức khoẻ phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh cho đến người cao tuổi. Không phải là bệnh lý ác tính, tuy nhiên nếu để lâu có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm: trĩ, sa trực tràng, nứt kẽ hậu môn, thậm chí ung thư đại trực tràng.
Bệnh táo bón thường không phải do một nguyên nhân cụ thể, mà là hậu quả của một nhóm các nguyên nhân. Dưới đây là những nguyên nhân chính gây nên táo bón:
MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN CHÍNH
1️⃣. Chế độ ăn thiếu chất xơ:
• Chất xơ có tác dụng chống táo bón vì khi vào ruột chất xơ hút nhiều nước, tăng khối lượng của phân và kích thích nhu động ruột làm tăng co bóp để tống phân ra ngoài. Do đó thiếu chất xơ phân sẽ cứng, chậm lưu thông và gây nên táo bón.
• Nhu cầu chất xơ của một người trưởng thành là khoảng 20- 25g/ ngày, tương đương khoảng 300g rau xanh và 100g quả.
• Chất xơ có nhiều trong rau xanh( súp lơ xanh, rau cải, mùng tơi), các loại đậu (đỗ đen, đỗ xanh, đậu hà lan…), các loại quả (lê, táo, bưởi, chuối, cà chua, kiwi..)
• Các loại hạt ngũ cốc nguyên hạt cũng là nguồn bổ sung chất xơ quan trọng: gạo lức, lúa mạch, yến mạch, lúa mỳ nguyên cám…
• Một số lưu ý khi bổ sung chất xơ: nên sử dụng chất xơ thiên nhiên (rau, quả tươi), không nên nấu quá nhừ vì sẽ mất hàm lượng các chất dinh dưỡng, nên ăn trái cây cả vỏ sau khi rửa sạch, với những người mới tập ăn chất xơ nên tăng từ từ để tránh tình trạng đầy bụng, khó tiêu
2️⃣. Không cung cấp đủ nước cho cơ thể:
• Nước có vai trò vô cùng quan trọng, thiếu nước không chỉ gây táo bón mà còn ảnh hưởng đến chuyển hoá toàn cơ thể.
• Các nghiên cứu về dinh dưỡng cho thấy, nhu cầu nước của người trưởng thành là 30-35ml/ Kg cân nặng/ ngày. Ở trẻ nhỏ nhu cầu này cao hơn: trẻ dưới 10kg nhu cầu là 100ml/kg cân nặng, trẻ trên 10 kg nhu cầu khoảng 1,5- 1,7l nước/ ngày, trẻ vị thành niên( 10- 18 tuổi) nhu cầu nước là 40- 50ml nước/ kg cân nặng/ngày.
• Nước bổ sung nên là nước lọc, nước khoáng, tránh các loại nước có ga, nước đường.
3️⃣. Cơ thể ít vận động
• Nhiều nghiên cứu cho thấy ít vận động làm tăng nguy cơ táo bón. Do đó táo bón thường gặp hơn ở những nhân viên văn phòng, hay người già.
• Một số môn thể thao giúp phòng và điều trị táo bón hiệu quả như: bơi, chạy bộ…
• Mỗi ngày cần vận động thể lực ít nhất tương đương 30 phút đi bộ
• Nếu công việc đòi hỏi ngồi nhiều, bạn nên đứng dậy vận động 5 phút sau mỗi giờ làm việc
4️⃣. Thói quen nhịn đại tiện
• Thường gặp ở những người có công việc bận rộn, các công việc đòi hỏi thời gian kéo dài, trẻ mải chơi, hay cũng có thể là một thói quen xấu.
• Thói quen nhin đại tiện kéo dài sẽ dẫn đến giảm hoặc thậm chí mất cảm giác buồn đại tiện hàng ngày và gây nên táo bón
• Do dó việc tập thói quen đại tiện hàng ngày vào một giờ nhất định là rất quan trọng, để phòng bệnh táo bón
5️⃣. Một số loại thực phẩm gây táo bón
• Rượu, cà phê, trà đặc có thể gây táo bón vì gây mất nước cho cơ thể
• Một số thực phẩm nhiều chất béo, ít chất xơ như: đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, phô mai… có thể gây táo bón do chứa nhiều chất béo làm chậm lưu thông ruột
• Thịt đỏ nếu ăn nhiều có thể gây táo bón do chứa nhiều sắt, ngoài ra các loại bột tinh chế như bột gạo, bột ngô cũng có thể gây táo bón do nghèo chất xơ.
6️⃣. Một số loại thuốc có thể gây táo bón
• Thuốc bổ sung can xi
• Thuốc sắt
• Thuốc chống trầm cảm, thuốc hướng thần
• Thuốc giảm đau nhóm Morphine
• Lạm dụng thuốc nhuận tràng: nếu dùng kéo dài có thể gây phụ thuộc thuốc, khi ngừng thuốc tình trạng táo bón sẽ nặng lên.
7️⃣. Các bệnh lý đại trực tràng
• Một số bệnh lý đại trực tràng có biểu hiện bằng triệu chứng táo bón: ung thư đại trực tràng, viêm đại trực tràng mạn tính, hẹp đại trực tràng…
• Do đó một nguyên tắc quan trọng là cần phải loại trừ các bệnh lý đại trực tràng trước khi điều trị táo bón để tránh các biến chứng nguy hiểm
Trên đây là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng táo bón thường gặp. Để xác định chính xác nguyên nhân cũng như loại trừ các bệnh lý đại trực tràng bạn cần đến khám Bác sĩ chuyên khoa để có chẩn đoán đúng và phương pháp điều trị hiệu quả.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Đan
☎️: 0984899885
====================
🏥 Trung tâm Kỹ thuật cao,
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
☎️ Tổng đài CSKH: 098 98 19 115
(xin vui lòng gọi đặt lịch hẹn trước).
☎️: 0984899885. Bs Nguyễn Ngọc Đan
===============
#kythuatcaoxanhpon
#trungtamkythuatcao
#benhvienxanhpon
#Bac_si_Dan
===============