Thứ 2 - 6: Sáng : 7h15 - 12h, Chiều: 13h30h - 17h / Thứ 7: 7h30 - 12h
Hotline (từ 8h00-17h00): 0989819115
Cấp cứu (từ 17h00-8h00): 0989809115

CÁC PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN NHIỄM HP

Giới thiệu chung:

Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP) là một trong những loại nhiễm khuẩn phổ biến nhất ở Việt Nam và trên thế giới. Tại Việt nam, tỷ lệ nhiễm trong quần thể khoảng 40 – 70%, với tỷ lệ nhiễm ở nam và nữ như nhau. Trẻ nhỏ nhiễm HP thấp hơn người lớn, xuất hiện ở cả 1- 2 tuổi.

Vi khuẩn HP có hình chữ S, đầu có lông mao giúp chuyển động trong lớp nhầy niêm mạc dạ dày, tá tràng. Vi khuẩn HP tiết các men và độc tố làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng gây viêm và loét cấp tính, mạn tính; tăng nguy cơ gây Ung thư dạ dày và U lympho.

Trong nhiều năm, phác đồ điều trị viêm loét dạ dày- hành tá tràng nhiễm HP có hiệu quả lành viêm loét dạ dày – tá tràng và diệt HP đạt 80- 90 %. Tuy nhiên, gần đây vi khuẩn HP kháng thuốc tăng làm tỷ lệ điều trị diệt HP giảm đi.

Vi khuẩn HP có thể lây truyền qua nhiều đường: miệng- miệng, phân- miệng. Bố mẹ và anh chỉ em ruột đóng vai trò là nguồn lây nhiễm tiên phát.Các phương pháp chẩn đoán HP:

Các phương pháp chẩn đoán HP:

Test thở tìm HP:

+ Uống một viên thuốc chứa chất bị phân hủy bởi vi khuẩn HP, sản phẩm tạo ra có thể phát hiện trong khí thở của bệnh nhân.

+ Xét nghiệm chính xác (độ nhạy 95%, độ đặc hiệu 96%) và được khuyến cáo sử dụng chẩn đoán đang nhiễm HP và kiểm tra sau điều trị diệt HP.

Phòng làm test HP hơi thở với máy có độ chính xác cao.

  • Xét nghiệm máu tìm HP:

+ Phát hiện kháng thể do hệ thống miễn dịch cơ thể sản xuất ra để chống lại vi khuẩn HP.

+ Chỉ có giá trị dịch tễ học và chứng minh đã từng nhiễm vi khuẩn HP nhưng không cho biết đang nhiễm HP hay không vì kháng thể còn tồn tại sau 4 tháng hoặc lâu hơn dù bệnh nhân đã diệt hết vi khuẩn HP.

(Nội soi dạ dày chẩn đoán)

+ Không khuyến cáo sử dụng để chẩn đoán nhiễm HP.

  • Xét nghiệm phân tìm HP:

+ Để phát hiện vi khuẩn HP trong phân.

+ Ít sử dụng, có giá trị với các bệnh nhân trẻ em không  hợp tác để làm test HP hơi thở.

  • Nội soi đường tiêu hóa và làm test ure:

+ Nội soi dạ dày và lấy bệnh phẩm trong dạ dày để làm test ure tìm HP trong dạ dày.

+ Phương pháp có độ chính xác cao (độ nhạy > 98%; độ đặc hiệu 99%), áp dụng với các bệnh nhân có triệu chứng viêm loét đường tiêu hóa, đánh giá được tình trạng niêm mạc dạ dày và tá tràng.

  • Sinh thiết dạ dày qua nội soi:

+ Nội soi dạ dày lấy mẫu sinh thiết, bệnh phẩm sẽ được gửi làm mô bệnh học, nhuộm màu để tìm HP với độ chính xác cao.

Chỉ định làm xét nghiệm vi khuẩn HP:

  • Chỉ định làm xét nghiệm vi khuẩn HP:
  • Có triệu chứng: đau bụng, đầy bụng khó tiêu, buồn nôn/ nôn hoặc có tiền sử loét dạ dày- tá tràng trước đó.
  • Cân nhắc làm xét nghiệm HP:

+ Người có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày.

+ Người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.

+ Trong gia đình có trẻ bị bệnh do HP.

Chỉ định điều trị HP:

  • Bệnh nhân có nhiễm HP với:

+ Loét dạ dày.

+ Loét hành tá tràng.

+ Chứng khó tiêu chức năng.

+ Thiếu máu thiếu sắt

+ Xuất huyết giảm tiểu cầu.

+ Ung thư dạ dày đã phẫu thuật hoặc cắt hớt niêm mạc qua nội soi.

  • Dự phòng ung thư dạ dày:

+ Những người có bố mẹ, anh chị em ruột bị ung thư dạ dày.

+ Khối u dạ dày: adenoma, polyp tăng sản, đã cắt hớt niêm mạc.

+ Viêm teo toàn bộ niêm mạc dạ dày.

+ Người làm ở môi trường có nguy cơ ung thư dạ dày: khai thác than, quặng….

+ Người quá lo lắng về ung thư dạ dày.

=> Vì vậy, người có chỉ định làm xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HP cần được khám để lựa chọn phương pháp chẩn đoán HP thích hợp và được điều trị diệt HP để phòng tránh nguy cơ tiến triển ung thư dạ dày.

Tham khảo theo Hội tiêu hóa Việt Nam và hội nội soi Việt Nam.

                                                                             Ths. Bs Phùng Hoàng Hiệp