Thứ 2 - 6: Sáng : 7h15 - 12h, Chiều: 13h30h - 17h / Thứ 7: 7h30 - 12h
Hotline : 0989819115
Cấp cứu: 0989819115

BIẾN CHỨNG THẦN KINH DO ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh tiểu đường có nguy hiểm?

dây thần kinh ngoại biên

Biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh tiểu đường ít khi khiến bệnh nhân tử vong nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, bắt buộc cắt cụt chân. Đến nay, không có thuốc điều trị khỏi biến chứng thần kinh do tiểu đường, đái tháo đường. Các phương pháp điều trị chỉ giúp giảm đau, làm chậm diễn tiến bệnh và phục hồi biến chứng.

1. Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường có thường gặp không?

Trong cơ thể con người có rất nhiều loại dây thần kinh, phân bố không đồng đều và giữ vai trò khác nhau. Bệnh nhân tiểu đường khá dễ mắc biến chứng thần kinh ngoại biên, đặc biệt ở người không kiểm soát đường máu tốt.

Theo thống kê có khoảng 60 – 70% bệnh nhân đái tháo đường mắc biến chứng thần kinh, chủ yếu gặp biến chứng thần kinh ngoại biên và thần kinh thực vật. Rất nhiều bệnh nhân tại thời điểm chẩn đoán phát hiện bệnh tiểu đường, đái tháo đường đã có biến chứng thần kinh.

Đo chỉ số Glucose trong máu để xác định xem mình có mắc bệnh tiểu đường không
Đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc biến chứng thần kinh

2. Nguyên nhân gây biến chứng thần kinh ở bệnh tiểu đường

Tổn thương dây thần kinh và mạch máu là yếu tố chính gây biến chứng thần kinh ở bệnh tiểu đường. Tuy nhiên cơ chế gây tổn thương vẫn chưa được biết rõ hoàn toàn. Có thể glucose trong máu tăng cao gây tổn thương mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh, đồng thời sinh ra những chất gây độc thần kinh. Ngoài ra, các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh bị tổn thương cũng ảnh hưởng đến sự cung cấp oxy và dưỡng chất, làm chậm tốc độ dẫn truyền tín hiệu. Nhiều trường hợp mất hẳn truyền tín hiệu.

Những tổn thương dây thần kinh do đường máu này thường là tổn thương vĩnh viễn không thể phục hồi hoặc chỉ có thể phục hồi 1 phần. Bên cạnh đó, có 1 số yếu tố nguy cơ khác góp phần gây biến chứng thần kinh ở bệnh nhân tiểu đường như:

  • Phản ứng tự miễn gây viêm: Khi hệ miễn dịch tưởng lầm dây thần kinh là vật lạ nên tấn công dây thần kinh gây viêm.
  • Hút thuốc lá, lạm dụng rượu và các chất kích thích: Tổn thương thần kinh và mạch máu. Đặc biệt khói thuốc có thể gây cứng và hẹp mạch máu, giảm máu đến các chi, góp phần vào tổn thương thần kinh.
  • Thời gian bị bệnh: Thời gian mắc bệnh càng lâu càng có nguy cơ mắc biến chứng thần kinh. Biến chứng thần kinh ngoại biên ở bệnh tiểu đường trên 25 năm, glucose huyết không ổn định tốt.
  • Bệnh thận mãn tính: Bệnh thận mạn tính kết hợp làm tăng độc chất trong máu, gây tổn thương dây thần kinh.
  • Các bệnh lý khác: Rối loạn tim mạch, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, dinh dưỡng kém,…
  • Tuổi cao: Tỷ lệ biến chứng thần kinh ở bệnh nhân đái tháo đường từ 25 – 29 tuổi chỉ là 5%, nhưng ở bệnh nhân 70 – 79 tuổi tăng lên 44,2%.
Tiểu đường là một trong những bệnh lý mạn tính phổ biến nhất ở người cao tuổi
Khám và tư vấn đái tháo đường- Bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi có tỷ lệ biến chứng thần kinh tăng vọt

3. Biến chứng thần kinh ngoại biên ở bệnh nhân tiểu đường có nguy hiểm không?

Biến chứng thần kinh ngoại biên ở bệnh tiểu đường thường gây ảnh hưởng đến hai chi dưới với các triệu chứng bệnh lý như sau:

  • Dấu hiệu sớm: Giảm cảm giác đồng đều ở 2 chân, chủ yếu là bàn chân, có thể lan đến cẳng chân nhưng ít khi vượt qua đầu gối.
  • Cảm giác tê bì ở chân, đặc biệt là ngón chân và 2 bàn chân.
  • Đau, nóng rát ở gan bàn chân, tình trạng tăng về đêm khiến bệnh nhân mất ngủ. Cơn đau có thể kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt, không đáp ứng điều trị với thuốc giảm đau thông thường.
  • Mất cảm giác 1 phần hoặc toàn bộ: Khi dây thần kinh ở chân bị tổn thương nặng, người bệnh bị rối loạn cảm giác hoặc mất cảm giác hoàn toàn ở khu vực này. Vì thế bệnh nhân cũng không thể nhận biết dấu hiệu nguy hiểm như nóng, đau do bỏng, vật lạ đâm,… cho tới khi chân sưng tấy hoặc nhiễm trùng nặng.

Triệu chứng tương tự cũng gặp ở chi trên và bàn tay nhưng thường đến muộn hơn. Nặng nhất là người bệnh mất cảm giác hoàn toàn, gây nguy cơ loét bàn chân. Bác sĩ có thể phải cắt cụt chi do biến chứng thần kinh ngoại biên ở bệnh tiểu đường xảy ra.

Ngoài ra, biến chứng thần kinh ở chân có thể gây biến chứng khớp xương bàn chân và cổ chân, điển hình là triệu chứng bàn chân charcot.

 

4. Điều trị biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường

Hiện nay chưa có thuốc điều trị khỏi biến chứng thần kinh nói chung và biến chứng thần kinh ngoại biên nói riêng ở bệnh nhân tiểu đường. Thuốc và các phương pháp điều trị khác chủ yếu giúp giảm đau, làm chậm diễn biến bệnh và phục hồi chức năng, khắc phục biến chứng.

4.1 Điều trị làm chậm diễn biến bệnh

Cách điều trị hiệu quả nhất là kiểm soát glucose máu tích cực, đạt ổn định. Ngoài ra cần thực hiện:

  • Kiểm soát huyết áp
  • Ngưng hút thuốc
  • Ăn uống điều độ
  • Luyện tập thể lực phù hợp
  • Ngưng uống rượu
  • Duy trì cân nặng

4.2 Điều trị giảm đau

Tùy vào tình trạng đau do biến chứng thần kinh ngoại biên mà chỉ định thuốc giảm đau có hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ.

Thuốc thường dùng như:

  • Thuốc chống động kinh: Pregabalin (Lyrica), Gabapentin (Neurontin)m Carbamazepine (Tegretol).
  • Thuốc chầm cảm 3 vòng: amitriptylin, desipramine, nortriptyline, imipramine.
  • Thuốc giảm đau dạng tramadol, oxycodone (không thể dùng lâu dài).
  • Miếng dán tẩm Lidocain: dùng dán tại vùng đau.

Ngoài ra có thể giảm đau tạm thời do biến chứng thần kinh ngoại biên bằng kem thoa Capsaicin, Alpha-lipoic acid, châm cứu, điện xuyên da kích hoạt thần kinh,…

Nhóm thuốc triclabendazole
Bệnh nhân sử dụng các loại thuốc điều trị giảm đau theo đơn của bác sĩ

4.3 Điều trị phục hồi chức năng và ngăn ngừa biến chứng

Các biến chứng thần kinh ngoại vi thường ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân nên cần được theo dõi điều trị tại cơ sở chữa bệnh chuyên khoa. Biến chứng có thể gặp như: loét chân và bệnh lý bàn chân, rối loạn cương dương, bàng quang thần kinh (ứ đọng nước tiểu, nhiễm trùng tiểu), rối loạn nhu động dạ dày,…

Phòng ngừa biến chứng thần kinh ngoại biên ở bệnh tiểu đường hiệu quả nhất là kiểm soát tích cực glucose trong máu, đồng thời ăn uống và tập luyện thể lực điều độ. Bàn chân là cơ quan cần được chăm sóc đúng cách: tự kiểm tra vết thương nếu có hàng ngày, luôn giữ chân sạch sẽ khô ráo, không đi giày chật hoặc chân trần, dùng dũa thay vì cắt móng,…

Như vậy, biến chứng thần kinh ngoại biên ở bệnh nhân tiểu đường, đái tháo đường ít gây tử vong song ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tốt nhất cần phòng ngừa, nhất là kiểm soát glucose trong máu tốt và điều trị tích cực ngay khi mới xuất hiện biến chứng.

Tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội luôn triển khai gói Đái tháo đường. Nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, phân loại chính xác type tiểu đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các trung tâm, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Nguồn Vinmec