Nội tiết đái tháo đường
Đái tháo đường là gì?
– Có nhiều định nghĩa khác nhau- tùy thuộc vào mục đích của tác giả hoặc nhóm các tác giả. TheoTổ chức y tế thế giới (WHO), thì đái tháo đường “Là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng glucose máu do hậu quả của việc thiếu/hoặc mất hoàn toàn insulin hoặc là do có liên quan đến sự suy yếu trong bài tiết và hoạt động của insulin”.
Ngày nay người ta cho rằng đái tháo đường là một rối loạn của hệ thống nội tiết; bệnh có thuộc tính là tăng glucose máu. Mức độ tăng glucose máu phụ thuộc vào sự mất toàn bộ hay một phần khả năng bài tiết hoặc khả năng hoạt động của insulin hoặc cả hai.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa kỳ đã đưa ra định nghĩa về đái tháo đường như sau:
“ Là một rối loạn mạn tính, có những thuộc tính sau 1/ tăng glucose máu; 2/ kết hợp với những bất thường về chuyển hoá carbonhydrat, lipid và protein; 3/ bệnh luôn gắn liền với xu hướng phát triển các bệnh lý về thận, đáy mắt, thần kinh và các bệnh tim mạch khác”.
Tháng 1 năm 2003, các chuyên gia thuộc “Uỷ ban Chẩn đoán và Chân loại bệnh đái tháo đường Hoa kỳ”, đã đưa ra một định nghĩa mới về đái tháo đường “ Đái tháo đường là một nhóm các bệnh chuyển hoá có đặc điểm là tăng glucose máu, hậu quả của sự thiếu hụt bài tiết insulin; khiếm khuyết trong hoạt động của insulin; hoặc cả hai. Tăng glucose máu mạn tính thường kết hợp với sự huỷ hoại, sự rối loạn chức năng và sự suy yếu chức năng của nhiều cơ quan đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu”.
Đái tháo đường là một rối loạn mạn tính, có những thuộc tính sau:
- Tăng glucose máu;
- Kết hợp với những bất thường về chuyển hóa carbonhydrat, lipid và protein;
- Bệnh luôn gắn liền với xu hướng phát triển các bệnh lý về thận, đáy mắt, thần kinh và các bệnh tim mạch khác.
Nguyên nhân
Đặc điểm lớn nhất trong sinh lý bệnh của đái tháo đường týp 2 là có sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường.
a) Yếu tố di truyền.
b) Yếu tố môi trường: đây là nhóm các yếu tố có thể can thiệp để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh. Các yếu tố đó là:
– Sự thay đổi lối sống: như giảm các hoạt động thể lực; thay đổi chế độ ăn uống theo hướng tăng tinh, giảm chất xơ gây dư thừa năng lượng.
– Chất lượng thực phẩm.
– Các stress.
c) Tuổi thọ ngày càng tăng, nguy cơ mắc bệnh càng cao: Đây là yếu tố không thể can thiệp được.
Cơ chế bệnh sinh
Suy giảm chức năng tế bào beta và kháng insulin
a) Tình trạng thừa cân, béo phì, ít hoạt động thể lực, là những đặc điểm thường thấy ở người đái tháo đường týp 2 có kháng insulin. Tăng insulin máu, kháng insulin còn gặp ở người tiền đái tháo đường, tăng huyết áp vô căn, người mắc hội chứng chuyển hóa.
b) Người đái tháo đường týp 2 bên cạnh kháng insulin còn có thiếu insulin – đặc biệt khi lượng glucose huyết tương khi đói trên 10,0 mmol/L.
Biến chứng của bệnh
Đặc điểm các biến chứng của bệnh đái tháo đường týp 2 là gắn liền với quá trình phát sinh và phát triển của bệnh. Nên ngay tại thời điểm phát hiện bệnh trên lâm sàng người thày thuốc đã phải tìm các biến chứng của bệnh. Về phân loại biến chứng, có thể phân ra các biến chứng cấp tính, mạn tính. Trong các biến chứng mạn tính lại chia ra các biến chứng mạch máu lớn, mạch máu nhỏ.
Chẩn đoán
a) Chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường týp 2: Đối tượng có yếu tố nguy cơ để sàng lọc bệnh đái tháo đường týp 2: Tuổi ≥ 45 và có một trong các yếu tố nguy cơ sau đây:
– BMI ≥ 23 (xem phụ lục 1: Tiêu chuẩn chẩn đoán thừa cân, béo phì dựa vào BMI và số đo vòng eo áp dụng cho người trưởng thành khu vực Châu Á (theo IDF, 2005)
– Huyết áp trên 130/85 mmHg
– Trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh, chị em ruột, con ruột bị mắc bệnh đái tháo đường týp 2).
– Tiền sử được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa, tiền đái tháo đường (suy giảm dung nạp đường huyết lúc đói, rối loạn dung nạp glucose).
– Phụ nữ có tiền sử thai sản đặc biệt (đái tháo đường thai kỳ, sinh con to – nặng trên 3600 gam, sảy thai tự nhiên nhiều lần, thai chết lưu).
– Người có rối loạn Lipid máu; đặc biệt khi HDL-c dưới 0,9 mmol/L và Triglycrid trên 2,2 mmol/l.
b) Chẩn đoán tiền đái tháo đường (Prediabetes).
– Rối loạn dung nạp glucose (IGT), nếu mức glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp tăng glucose máu bằng đường uống từ 7,8 mmol/l (140 mg/dl) đến 11,0 mmol/l (200 mg/dl).
– Suy giảm glucose máu lúc đói (IFG), nếu lượng glucose huyết tương lúc đói (sau ăn 8 giờ) từ 6,1 mmol/l (110 mg/dl) đến 6,9 mmol/l (125 mg/dl) và lượng glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ của nghiệm pháp tăng glucose máu dưới 7,8 mmol/l (< 140 mg/dl).
c) Chẩn đoán xác định đái tháo đường: Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường (WHO- 1999), dựa vào một trong 3 tiêu chí:
– Mức glucose huyết tương lúc đói ≥ 7,0 mmol/l (≥ 126 mg/dl).
– Mức glucose huyết tương ≥ 11,1 mmol/l (200 mg/dl) ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống.
– Có các triệu chứng của đái tháo đường (lâm sàng); mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 11,1 mmol/l (200 mg/dl).
Những điểm cần lưu ý:
– Nếu chẩn đoán dựa vào glucose huyết tương lúc đói và/hoặc nghiệm pháp dung nạp tăng glucose máu bằng đường uống, thì phải làm 2 lần vào hai ngày khác nhau.
– Có những trường hợp được chẩn đoán là đái tháo đường nhưng lại có glucose huyết tương lúc đói bình thường. Trong những trường hợp đặc biệt này phải ghi rõ chẩn đoán bằng phương pháp nào. Ví dụ “Đái tháo đường týp 2 – Phương pháp tăng glucose máu bằng đường uống”.
Phân loại đái tháo đường (Phân loại đơn giản).
a) Đái tháo đường týp 1: Là hậu quả của quá trình hủy hoại các tế bào beta của đảo tụy. Hậu quả là cần phải sử dụng insulin ngoại lai để duy trì chuyển hóa, ngăn ngừa tình trạng nhiễm toan ceton có thể gây hôn mê và tử vong.
b) Đái tháo đường týp 2.
c) Các thể đặc biệt khác.
– Khiếm khuyết chức năng tế bào beta, giảm hoạt tính của insulin do gen.
– Bệnh lý của tụy ngoại tiết.
– Do các bệnh Nội tiết khác.
– Nguyên nhân do thuốc hoặc hóa chất khác.
– Nguyên nhân do nhiễm trùng.
– Các thể ít gặp, các hội chứng về gen.
d) Đái tháo đường thai kỳ.
Tiến triển:
Đái tháo đường týp 2 là một bệnh tiến triển tịnh tiến. Những biến chứng của bệnh luôn phát triển theo thời gian mắc bệnh.
Các đơn nguyên
- Phòng khám chuyên khoa
- Chẩn đoán hình ảnh
- Gây mê chống đau
- Điều trị nội trú
- Nội soi tiêu hóa

TRUNG TÂM KỸ THUẬT CAO VÀ TIÊU HÓA HÀ NỘI
Địa chỉ: Số 12 Chu Văn An – Ba Đình – Hà Nội
Tư vấn và đặt lịch khám chữa bệnh:
Tổng đài CSKH. BV – Xanh pôn: 1900 6155
Gọi cấp cứu(24/24). BV – Xanh pôn: 024.38.233.076
Hotline trung tâm: 098.98.19115
Gọi cấp cứu(24/24): 098.98.19115
Giờ làm việc: 7:15 đến 17:00 từ Thứ 2 – Thứ 6/ Thứ 7 làm việc từ 7h30 đến 12h.