Quá trình liền xương là một quá trình phức tạp liên quan tới nhiều yếu tố từ mức phân tử, tế bào tới vùng tổn thương tới toàn cơ thể. Về tổ chức học, quá trình liền xương bình thường diễn ra qua 4 giai đoạn
ĐẠI CƯƠNG:
Một ổ gãy xương được điều trị tốt, diễn biến bình thường sau một thời gian nhất định sẽ liền lại với nhau bởi một tổ chức gọi là cal xương. Tùy theo từng xương mà thời gian liền xương khác nhau. Nếu đến thời hạn liền xương bình thường mà xương chưa vững thì gọi là chậm liền xương (CLX), nếu quá hai lần thời gian liền xương bình thường mà vẫn không liền xương thì gọi là khớp giả (KG). Theo quy ước quốc tế thì thời gian này là 6 tháng đối với gãy các xương lớn, 3 tháng đối với gãy các xương nhỏ nhanh liền.
QUÁ TRÌNH LIỀN XƯƠNG:
Quá trình liền xương là một quá trình phức tạp liên quan tới nhiều yếu tố từ mức phân tử, tế bào tới vùng tổn thương tới toàn cơ thể. Về tổ chức học, quá trình liền xương bình thường diễn ra qua 4 giai đoạn
Quá trình liền xương qua 4 giai đoạn
Các giai đoạn của liền xương
NGUYÊN NHÂN:
Chậm liền xương và KG có thể do các nguyên nhân tại chỗ và toàn thân gây ra. Hai tác nhân này có thẻ tác động riêng rẽ hoặc phối hợp với nhau.
Yếu tố chấn thương ban đầu:
• Gãy di lệch nhiều, gãy hở, mất đoạn xương, gãy nát vụn do chấn thương năng lượng cao, nhiễm trùng
• Sự nguyên vẹn mạch nuôi dưỡng xương, đặc biệt đối với thân xương chày
• Sự phá huỷ động mạch nuôi xương khi gãy di lệch nhiều hoặc phá huỷ màng xương trong gãy hở độ II, III
Nguyên nhân từ phía thầy thuốc
• Nắn chỉnh ổ gãy không tốt.
• Bất động ổ gãy không được vững chắc.
• Trong quá trình phẫu thuật làm mất khối máu tụ, gây tổn thương thêm mạch máu nuôi dưỡng xương hay bóc tách, phá huỷ màng xương nhiều.
• Một nguyên nhân khác cũng thường thấy của liền xương chậm là thầy thuốc theo dõi, điều trị sau chấn thương không đúng chỉ định như bỏ bột quá sớm hoặc cho bệnh nhân tỳ quá muộn.
Nguyên nhân đến từ người bệnh:
• Suy dinh dưỡng, chuyển hoá kém.
• Một số bệnh lý toàn thân có thể làm liền xương chậm như giảm miễn dịch, lao phổi, đái tháo đường.
• Người nghiện thuốc lá: nicotin làm ảnh hưởng tới quá trình can xương.
• Không tuân thủ đúng chỉ định điều trị : tự tháo bỏ bột, đi lại sớm khi can chưa đủ vững.
PHÂN LOẠI:
Sự khác biệt giữa chậm liền và khớp giả chủ yếu là mức độ can xương theo thời gian. Xương được xem là chậm liền khi quá trình liền xương không đúng với diễn biến thông thường tuỳ theo vị trí và kiểu gãy xương, thường được tính 3 tháng từ khi gãy xương. Ổ gãy thân xương dài được xem là khớp giả khi không liền sau gấp đôi thời gian liền xương bình thường, theo nhiều tác giả thời gian này là khoảng 6 tháng.
Trên lâm sàng, có thể chia thành hai loại khớp giả: loại chặt, không có di động tại ổ gãy và loại lỏng lẻo, có thể thấy di động tại ổ gãy, thường phải bất động thêm bằng bột hoặc phương tiện kết xương kim loại.
Trên X quang, tùy theo mức độ phát triển của đầu xương, có thể chia thành loại phì đại và loại teo đét
Phân loại trên X-Quang
Ngoài ra còn có cách phân loại theo: phương diện vi khuẩn học, phương diện phần mềm tại ổ khớp giả, phương diện di lệch:
TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG VÀ XQUANG:
Lâm sàng:
Đối với các ổ gãy không có kết hợp xương bên trong:
Thông thường ít nhiều còn đau tại ổ KG.
Còn cử động bất thường.
Giảm cơ năng chi thể.
Đối với các ổ gãy đã được kết hợp xương có thể thấy còn đau và ít nhiều giảm cơ năng chi thể.
X.Quang:
Còn khe dãn cách giữa 2 đầu xương gãy. Ống tủy bị bít, đầu gãy có 1 lớp viền xương đặc xơ kết (Selerose). Tùy theo loại KG mà lớp viền xương này dày hay mỏng. Các đầu gãy có thể có hình teo nhọn, hình chày cối, hoặc bề rộng như chân voi.
CLX thì hình ảnh X.Q đơn thuần là còn khe dãn cách nhưng các đầu xương chưa bị xơ kết.
Hình ảnh trên X-Quang
ĐIỀU TRỊ:
Nguyên tắc chung:
Tạo sự tiếp xúc của 2 đầu gãy, tăng cường cố định để giúp phục hồi quá trình liền xương bình thường.
Phát hiện và loại bỏ các yếu tố cản trở sự liền xương.
Tạo điều kiện để mạch máu phát triển và thâm nhập vào ổ gãy, cung cấp thêm nguyên liệu sinh xương.
Nâng cao thể trạng chung cho bệnh nhân chống các rối loạn thiểu dưỡng.
Các biện pháp điều trị:
Chậm liền xương:
Tăng cường bất động, cố định ổ gãy với thời gian lâu hơn.
Ghép xương theo phương pháp Phemister: đặt các mảnh xương ghép xốp hoặc cứng vào dưới cốt mạc bắc cầu 2 đầu gãy.
Khoan xương theo kiểu Beck: dùng đinh Kirschner khoan nhiều lỗ qua các đầu gãy.
Khớp giả:
Khớp giả chặt: ghép xương theo phương pháp Phemister, Matti, hoặc kết xương căng dãn và nén ép bằng khung cố định ngoài.
Khớp giả xơ kết đông đặc: làm tươi lại các đầu gãy (đục bỏ các phần xương xơ kết, khoan thong ống tủy) rồi kết xương kim loại + ghép xương hoặc lục bóc vỏ xương theo phương pháp của Judet. R (decortication).
Với các khớp giả mất đoạn xương dài có thể dùng phương pháp kết xương 2 ổ (1 ổ căng dãn và 1 ổ nén ép) hoặc ghép xương có cuống mạch nuôi bằng kĩ thuật vi phẫu, hoặc kết ghép xương theo các kĩ thuật kinh điển.
Với các ổ khớp giả nhiễm trùng: sau khi loại bỏ tổ chức viêm hoại tử và mảnh xương chết tại ổ khớp giả có thể tiến hành kết xương 2 ổ hoặc ghép xương có cuống mạch đuôi.
Một số cách điều trị chậm liền xương và khớp giả ở xương chầy.
LỜI KHUYÊN:
Quá trình liền xương là một quá trình phức tạp liên quan tới nhiều yếu tố. Việc tuân thủ đúng nguyên tắc điều trị, thăm khám đúng thời gian quy định và sự phối hợp của bác sĩ với bệnh nhân là cực kỳ quan trọng. khi phát hiện các dấu hiệu bất thường về ổ gãy hay bất cứ 1 dấu hiệu khó chịu nào , các bạn cần đi kiểm tra tại các cơ sở y tế chuyên khoa hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ trực tiếp điều trị cho mình, tránh các biến chứng không đáng có.
Bs Nguyễn Trọng Quỳnh