Thứ 2 - 6: Sáng : 7h15 - 12h, Chiều: 13h30h - 17h / Thứ 7: 7h30 - 12h
Hotline : 0989819115
Cấp cứu: 0989819115

BỆNH BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ cắt cụt chi gấp 20 lần người bình thường. Trên thế giới, mỗi năm có 1 triệu người bị cắt cụt chi do đái tháo đường (cứ mỗi 30 giây có 1 người bị cắt cụt chi). 70% những người bị cắt cụt chi sẽ tử vong trong vòng 5 năm. Chăm sóc bàn chân ở bệnh nhân Đái tháo đường đòi hỏi sự chăm sóc đa ngành đã trở nên rất phổ biến đối với các quốc gia Châu Âu và châu Mỹ nhưng lại rất mới đối với các quốc gia Châu Á trong đó có Việt Nam. Chăm sóc tốt bàn chân của bệnh nhân Đái tháo đường có thể phòng tránh tới 85% các trường hợp phải cắt cụt.

( Biến chứng bàn chân đái tháo đường là biến chứng nguy hiểm và phổ biến của bệnh ĐTĐ)

KHÁI NIỆM.

Bệnh lý bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ là một trong các biến chứng nặng nề nhất và khá phổ biến ở bệnh nhân ĐTĐ. Ước tính 15% bệnh nhân ĐTĐ có các bệnh lý bàn chân như nhiễm trùng, loét hoặc hoại tử, có thể dẫn đến cắt đoạn chi.

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ, NGUYÊN NHÂN GÂY LOÉT BÀN CHÂN Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG.

Các yếu tố nguy cơ gây loét bàn chân ở bệnh nhân Đái tháo đường là:

– Kiểm soát đường huyết kém

– Tăng huyết áp

– Giới tính nam

– Hút thuốc lá

– Bệnh lý võng mạc

– Bệnh lý thận

– Bệnh lý thần kinh

– Biến dạng bàn chân

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ LÀM TĂNG KHẢ NĂNG CẮT CỤT.

–  Bệnh lý thần kinh ngoại vi

–  Bệnh động mạch ngoại vi

–  Nhiễm trùng

–  Có tiền sử đã bị cắt cụt chân

–  Biến dạng bàn chân

–  Chấn thương

–  Bệnh lý Charcot

–  Suy giảm thị lực

–  Kiểm soát đường huyết kém

–  Tuổi già

CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY LOÉT BÀN CHÂN Ở BỆNH NHÂN ,ĐTĐ.

Loét bàn chân ở BN ĐTĐ thường là hậu quả của yếu tố bệnh lý thần kinh ngoại vi và bệnh lý mạch máu ngoại vi hoặc kết hợp cả hai yếu tố.

Biểu hiện bệnh lý thần kinh ngoại vi

Hầu hết tổn thương loét bàn chân là do mất cảm giác (bệnh lý thần kinh cảm giác). Ước tính 60-70% bệnh nhân ĐTĐ có bệnh lý thần kinh xuất hiện chủ yếu ở bàn tay và bàn chân. Biểu hiện bệnh thường là những dị cảm (cảm giác như bị đinh ghim hoặc kim châm) hoặc tăng cảm (tăng cảm giác xúc giác) dần dần dẫn đến mất cảm giác.

Tổn thương các dây thần kinh cơ ở bàn chân và cẳng chân có thể gây biến dạng bàn chân do trọng lực đè trực tiếp lên các xương và biến dạng ngày càng nhiều nếu tiếp tục tăng lực nén xuống lòng bàn chân. Khi đó, có sự mất thăng bằng, mất vùng đệm cho lòng bàn chân; tăng áp lực lên các mô ở lòng bàn chân. Do có bệnh lý thần kinh ngoại vi nên bệnh nhân không thấy đau nên mất đi phản xạ bảo vệ, áp lực kéo dài lên lòng bàn chân dẫn tới sự hình thành các vết chai chân.

Bệnh lý thần kinh vận động cũng ảnh hưởng đến các dây thần kinh chính chi phối các cơ bàn chân làm cho bàn chân đổ về một phía.

 Bệnh lý thần kinh tự chủ chi phối các tuyến mồ hôi thường làm da khô, đóng vảy; từ đó dẫn tới nứt kẽ da, rất dễ cho vi khuẩn xâm nhập vào.

Bệnh mạch máu ngoại vi

Bệnh nhân đái tháo đường thường bị suy giảm tuần hoàn, đó là một nguyên nhân sinh bệnh thấy ở 40-60% bệnh nhân đái tháo đường có vết loét không lành. Giảm tuần hoàn gây giảm tưới máu cho bàn chân, giảm cung cấp oxy và chất dinh dưỡng tới bàn chân; vì thế ảnh hưởng tới sự liền vết thương và nhiễm khuẩn.

1.4.3. Sự tiến triển của các vết loét ở BN ĐTĐ

Các biến dạng bàn chân và chấn thương bàn chân đóng vai trò chính gây loét và nhiễm trùng trên nền tảng bệnh lý thần kinh và suy giảm tuần hoàn đã có trước đó.

Tổn thương da và các mô mềm ở bàn chân (loét bàn chân) bị tạo nên bởi áp lực trường diễn quá ngưỡng chịu đựng của lớp mô mềm. Lực nén cơ học do đứng lâu, giày dép không vừa chân hoặc vật lạ trong giày dép làm trệch hướng dòng máu đến da gây nên loét. Da bị co kéo mạnh trên nền xương cứng, tiếp đó bị chà xát có thể dẫn đến tổn thương bàn chân. Tổn thương do nóng, lạnh, bị đâm xuyên bởi vật sắc nhọn cũng góp phần tạo nên ổ loét.

Thường gặp loét mô mềm và loét ở mặt bên của bàn chân vì đó là kết quả của áp lực nén hàng ngày, của các hoạt động thông thường như đứng, đi hoặc đi giày. Tuy nhiên, còn có sự xuất hiện của loét ở phía sau bàn chân, mắt cá chân và gót chân.

CÁC DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG LOÉT BÀN CHÂN ĐTĐ.

1.5.1.  Đặc điểm loét do bệnh lý thần kinh:

–  Ở vùng tì đè

–  Có chai chân

–  Tổ chức nền ổ loét đỏ

–  Chảy dịch ít đến trung bình

–  Mạch nẩy tốt

–  Không đau

–  Các dấu hiệu khác như da bàn chân khô, đóng vảy

1.5.2.  Đặc điểm loét do bệnh lý mạch máu

–  Thường ở rìa ngón

–  Ngón chân hoại tử đen

–  Hoại tử khô

–  Rất đau

–  Mạch yếu hoặc không bắt được

–  Các dấu hiệu suy giảm tuần hoàn gồm có:

  • Các dấu hiệu
    • Giảm hoặc mất mạch
    • Xanh xao, nhợt nhạt khi lên cao
    • Da bóng, mỏng, dễ bị tổn thương
    • Rụng lông, tóc
  • Các triệu chứng thường gặp:
    • Bị chuột rút
    • Đau khi nghỉ
    • Thay đổi màu/nhiệt độ của bàn chân

Loét kết hợp do bệnh lý thần kinh và bệnh lý mạch máu cần phải được thăm khám tỉ mỉ xem yếu tố nào nổi bật hơn để có biện pháp điều trị thích hợp.

https://daithaoduong.edu.vn/media/data/tin-tuc/benh-ban-chan/benh-ban-chan-dai-thao-duong-2.jpg
(Cần có kế hoạch chăm sóc và điều trị biến chứng bàn chân và ĐTĐ cụ thể cẩn thận và tới cùng)

NHIỄM TRÙNG BÀN CHÂN ĐTĐ

Bệnh nhân đái tháo đường thường bị giảm cơ chế chống đỡ miễn dịch do khiếm khuyết chức năng bạch cầu, làm cho bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn. Ở mức độ tế bào, các bạch cầu không di chuyển được đến nơi có nhiễm khuẩn và cuối cùng chúng mất đi đặc tính diệt vi khuẩn.

Da khô và dày, dễ bị nứt kẽ và bị loét, trở thành cổng vào cho vi khuẩn. Triệu chứng giảm cung cấp máu đến chi có thể bị lấn át bởi các nhiễm khuẩn không quan trọng, và dẫn đến tổn thương mô hoàn toàn. Bệnh nhân có thể chỉ phàn nàn về bàn chân sưng nề; có thể đau hoặc không, các dấu hiệu đầy đủ của nhiễm khuẩn như sốt có thể hiếm xảy ra. Triệu chứng nóng, đỏ và sưng nề ở bàn chân không bị tổn thương có thể là dấu hiệu của bàn chân Charcot hơn là bệnh lý nhiễm khuẩn. Trái lại, một vài ổ loét không sưng nề lại có liên quan đến viêm tuỷ xương.