Bệnh nhân nam 14 tuổi, không rõ tiền sử bệnh lý dạ dày đặc biệt, vào viện ngày 28 Tết Nguyên đán với triệu chứng xuất huyết tiêu hóa cao do loét hành tá tràng mặt trước, ổ loét lớn 3x4cm. Bệnh nhân nhập viện điều trị thuốc PPI bơm tiêm điện, theo dõi. Sau 2 ngày, gia đình xin cho bệnh nhân về điều trị tại nhà, ký hồ sơ xin ra viện.
Bệnh nhân xuất hiện nôn máu số lượng nhiều tại nhà ngày mồng 2 Tết, nhập viện Xanh Pôn cấp cứu tình trạng da niêm mạc nhợt, mạch 110l/ph, huyết áp 90/60mmHg, sonde dạ dày ra dịch máu đỏ tươi, phân đen.
Xét nghiệm HC 4.22, Hb 78, Hct 28.3.
Bệnh nhân nôn máu thêm một lần số lượng khoảng 500ml máu, mạch 120l/ph, huyết áp 80/50mmHg, được đặt catheter bù dịch, truyền máu hồi sức.
Trích lục lại hồ sơ, hội chẩn các chuyên khoa Ngoại nhi, tiêu hóa, gây mê hồi sức, bệnh nhân có chỉ định mổ cấp cứu: Xuất huyết tiêu hóa cao do loét hành tá tràng 2 ổ, F-IA.
Bệnh nhân được chuyển thẳng phòng mổ, mở bụng đường trắng giữa trên và dưới rốn, kiểm tra thấy lòng ruột non có nhiều máu, dạ dày căng máu phía trong, túi mật dính với mặt trước hành tá tràng.
Phẫu tích túi mật khỏi hành tá tràng phát hiện ổ loét thủng mặt trước hành tá tràng được túi mật che phủ, mặt sau hành tá tràng có một ổ loét ăn vào mạch máu, chảy thành tia F-IA. Tiến hành cắt 2/3 dạ dày cấp cứu.
Bệnh nhân sau mổ được chuyển về khu hồi sức Nhi, sau truyền máu, HC 4.33, Hb 99, Hct 31.5%, sonde dạ dày ra dịch mật, bệnh nhân trung tiện sau 03 ngày, cho ăn sớm qua sonde, xuất viện sau 10 ngày. Giải phẫu bệnh: ổ loét mạn tính có xuất huyết vùng hành tá tràng 2 ổ.
Khuyến cáo: đối với bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa có loét dạ dày, hành tá tràng cần phải được theo dõi và điều trị tại bệnh viện, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa Nội, Ngoại tiêu hóa.
Liên hệ khám chuyên khoa Ngoại tiêu hóa:
Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn,
ThS. BS. Vũ Trung Trực, Tel/Zalo: 09379.666.83