Thứ 2 - 6: Sáng : 7h15 - 12h, Chiều: 13h30h - 17h / Thứ 7: 7h30 - 12h
Hotline : 0989819115
Cấp cứu: 0989819115

GÂY TÊ NGOÀI MÀNG CỨNG GIẢM ĐAU SAU MỔ

Giảm đau ngoài màng cứng

Giảm đau ngoài màng cứng là phương pháp giảm đau sau phẫu thuật bằng cách đưa thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng thông qua ống dẫn được đặt sau lưng để ức chế dẫn truyền cảm giác đau ở một vùng nhất định do các rễ thần kinh chi phối.

Thuốc tê, và đôi khi là các loại thuốc giảm đau khác, sẽ được đưa vào ống dẫn ngoài màng cứng nằm gần các dây thần kinh ở vùng lưng bệnh nhân. Kết quả là sự dẫn truyền thần kinh sẽ bị phong bế. Điều này sẽ làm cho bệnh nhân được giảm đau và việc giảm đau này tùy thuộc vào lượng thuốc và loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng. Các thuốc tê sẽ gây cảm giác tê cứng đồng thời giảm đau cho bệnh nhân. Máy bơm tiêm ngoài màng cứng được dùng để đưa liên tục thuốc giảm đau qua ống dẫn ngoài màng cứng. Máy bơm tiêm sẽ được bác sĩ gây mê cài đặt sẵn nhằm tránh xảy ra hiện tượng quá liều. Hiệu quả giảm đau được kéo dài trong suốt quá trình  máy bơm tiêm hoạt động. Khi ngưng sử dụng, cảm giác của bệnh nhân sẽ được hồi phục trong vòng một vài giờ sau đó

Để đảm bảo an toàn, nhân viên y tế luôn theo dõi sát trong suốt quá trình người bệnh sử dụng phương pháp giảm đau ngoài màng cứng.

2
Hình ảnh luồn kim và ống dẫn thuốc vào khoang ngoài màng cứng giảm đau

Thời gian thực hiện 

Tùy thuộc vào loại phẫu thuật và quá trình hồi phục của người bệnh, phương pháp giảm đau ngoài màng cứng có thể được thực hiện kéo dài từ 48 đến 72 giờ sau phẫu thuật.

Lợi ích

Đây là phương pháp giảm đau hiệu quả cao, ít tác dụng phụ, ít gây tình trạng lơ mơ buồn ngủ, đồng thời rút ngắn thời gian hồi phục sau phẫu thuật.

Gây tê ngoài màng cứng sẽ được giảm đau tốt hơn các phương pháp giảm đau khác, đặc biệt là khi bệnh nhân hít thở sâu, ho hoặc di chuyển trên giường mà không sợ đau. Bệnh nhân sẽ không cần sử dụng nhiều loại thuốc giảm đau mạnh khác. Điều này có nghĩa là khả năng  hô hấp của bệnh nhân sẽ tốt hơn, bệnh nhân ít bị buồn nôn, ói mửa sau khi phẫu thuật, và sẽ tỉnh táo hơn.

Gây tê ngoài màng cứng giúp các biến chứng sau khi phẫu thuật có thể được giảm, bao gồm cả việc hình thành huyết khối ở chi dưới hoặc viêm phổi. Cũng có một số bằng chứng cho thấy bệnh nhân có thể giảm nguy cơ mất máu và nhu cầu cần truyền máu khi áp dụng phương pháp này.

Giảm đau ngoài màng cứng không ảnh hưởng đến phương pháp can thiệp phẫu thuật.

1
Hệ thống thuốc và ống dẫn thuốc vào khoang ngoài màng cứng của người bệnh giúp giảm đau

Khi nào cần gây tê ngoài màng cứng?

gây mê ngoài màng cứng

Người bệnh phẫu thuật U đại tràng được thực hiện giảm đau Ngoài màng cứng tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội

Chỉ định gây tê ngoài màng cứng

Gây tê ngoài màng cứng trong các phẫu thuật từ ngực trở xuống

Nhìn chung, kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng được chỉ định để giảm đau sau mổ trong các phẫu thuật từ ngực trở xuống. Hoặc là khi gây mê toàn thân cũng như các phương pháp khác không thích hợp, đôi khi cũng giúp giảm đau cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Tuyệt đối chống chỉ định nếu như:

  • Người bệnh từ chối thực hiện;
  • Nhiễm khuẩn tại vùng da cần chọc kim gây tê;
  • Nhiễm khuẩn toàn thân, bao gồm máu hoặc vãng khuẩn máu;
  • Rối loạn đông máu;
  • Tăng áp lực nội sọ;
  • Có dị ứng với thuốc gây tê;
  • Bệnh lý tim mạch;
  • Không đủ dụng cụ và phương tiện hồi sức.

Ngoài ra còn có một số trường hợp chống chỉ định tương đối, chẳng hạn:

  • Nhiễm khuẩn ở gần vùng định gây tê;
  • Thiếu khối lượng tuần hoàn;
  • Có các bệnh ở hệ thần kinh trung ương;
  • Đau lưng mạn tính, hoặc gù vẹo cột sống.

Tác dụng phụ có thể gặp

  • Tụt huyết áp và chậm nhịp tim có thể gây hoa mắt và chóng mặt, đặc biệt khi đứng dậy hoặc khi người bệnh thay đổi tư thế đột ngột
  • Buồn nôn và nôn ói
  • Ngứa và lạnh run
  • Bí tiểu

Bác sĩ gây mê hồi sức có thể điều trị để giảm các tác dụng phụ trên

Biến chứng có thể gặp

Các biến chứng gây tê ngoài màng cứng rất hiếm gặp với tỉ lệ từ 1/3.000 đến 1/200.000.

  • Đau lưng hoặc đau đầu
  • Nhiễm khuẩn
  • Thủng màng cứng
  • Xuất huyết và tụ máu ngoài màng cứng
  • Tê tủy sống toàn bộ
  • Tổn thương thần kinh
  • Ngộ độc thuốc tê toàn thân

Khi nào cần thông báo với nhân viên y tế

Người bệnh báo ngay cho nhân viên y tế khi cảm thấy bất cứ triệu chứng khó chịu nào trong lúc được sử dụng phương pháp giảm đau ngoài màng cứng.

Bs Trần Nguyễn Nhật