Thứ 2 - 6: Sáng : 7h15 - 12h, Chiều: 13h30h - 17h / Thứ 7: 7h30 - 12h
Hotline : 0989819115
Cấp cứu: 0989819115

BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân căn bệnh cứ 20 giây có 1 người phải cắt cụt chân, tay

Mỗi khi mùa đông đến, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân biến chứng tiểu đường ở bàn chân với những vết thương bỏng da, cháy da rất nhiều. Nguyên nhân là do chườm nóng…  

Bàn chân với những ngón chân bị cháy đen xì của bệnh nhân Luân được các y bác sĩ TT Kỹ thuật cao và tiêu hoá, BV Xanh Pôn chăm sóc

Từng mắc đái tháo đường (ĐTĐ) 17 năm, bệnh nhân Lê Thị Thanh Luân (59 tuổi) 6 hôm trước đi nằm giường mát-xa Hàn Quốc (loại máy chuyên sâu 7.700) với mục đích tiêu giảm mỡ bụng.

Nhiệt độ của giường được đặt ở mức 54 độ C với thời gian một ca 30 phút. Được 15 phút do quá nóng nữ bệnh nhân liền gồng người lên dãn cách khoảng cách. Bà liền chống hai ngón chân cái để đỡ thân hình cách xa giường chỉ để phần bụng tiếp xúc.

Chiều cùng ngày sau khi đi khiêu vũ về thấy hai ngón chân phồng rộp, bà Luân không nghĩ mình bị bỏng từ sáng mà lại tiếp tục ngồi máy mát xa của hàng xóm 15phút.

Sau 15 phút, chỗ phồng rộp ở chân bệnh nhân dập nước, lột da, đỏ loét. Ngày hôm sau, bệnh nhân lại tiếp tục đi nằm ghế mát xa. Nhân viên Hàn Quốc hướng dẫn chiếu đèn tia hồng ngoại vào chỗ tổn thương ở ngón chân để vô trùng cho bà.

“Thay vì thời gian ngắn, họ cho tôi nằm nửa tiếng đúng liệu trình. Làm xong, nhìn xuống hai bàn chân mình cháy đen xì thay vì đỏ loét”, bà Luân cho hay.

Về nhà, bệnh nhân tự rửa và băng bó vết thương nhẹ. Do không có cảm giác nên bà cũng không cảm thấy quá sốt ruột. Vì thế hai ngày sau, bà mới nhập viện ở Hải Phòng. Tại đây các bác sĩ cho rằng bà đã bị hoại tử ngón chân do biến chứng tiểu đường phải cắt cụt.

Không tin với kết quả này, bệnh nhân đã phải lên Hà Nội chữa. Tại Bệnh viện Xanh Pôn, nữ bệnh nhân được điều trị vết loét ở bàn chân mà không cần phải cắt cụt.

Chia sẻ với phóng viên, TS. BS Đỗ Đình Tùng, PGĐ BV Đa khoa Xanh Pôn cho biết, người mắc ĐTĐ thông thường có những tổn thương ngoại vi dù sớm hay muộn.

Ts. Đỗ Đình Tùng – đang khám tư vấn và cho hướng điều trị cho người bệnh tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà nội

Chính vì những tổn thương này khiến bệnh nhân giảm và mất cảm giác do vậy tuyệt đối không bao giờ được chườm, sưởi nước ấm nước nóng.

“Do mất cảm giác, giảm cảm giác nên người mắc ĐTĐ có tổn thương ngoại vi nguy cơ bị bỏng rất cao mà không biết. Thậm chí, nếu không bị bỏng thì nhiệt độ cao làm bệnh nhân dù mang lại cảm giác dễ chịu nhưng  sẽ làm tổn thương dây thần kinh ngoại vi và càng ngày bệnh càng trầm trọng hơn”, TS. BS Đỗ Đình Tùng nói.

Do đó, vị chuyên gia về đái tháo đường này cảnh báo, nhiều bệnh nhân mắc đái tháo đường, đặc biệt là  các cụ già vẫn có thói quen chườm, ngâm chân nước nóng chữa tê bì chân.

“Việc làm này sẽ tạm thời át đi cảm giác tê bì nhưng về lâu dài thì gây tổn thương rất nhiều đối với người mắc ĐTĐ. Qua thực tế thăm khám, điều trị, mỗi khi mùa đông đến, chúng tôi tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân biến chứng tiểu đường ở bàn chân với những vết thương bỏng da, cháy da rất nhiều. Nguyên nhân là do chườm nóng…

Vì vậy về lâu về dài tuyệt đối không ngâm, không chườm đặc biệt người nào đã có tổn thương ngoại vi thì phải tuyệt  đối kiêng ấm, kiêng nóng, không được sưởi nhất là mùa đông sắp đến”, TS. BS Đỗ Đình Tùng cảnh báo.

Ngoài ra để chống loét chân bệnh nhân phải tái khám định kỳ, nếu không có tổn thương ngoại vi tái khám 1 năm một lần, còn đã tổn thương ngoại vi thì phải 6 tháng khám bàn chân 1 lần.

Ngoài ra bệnh nhân có biến chứng của bàn chân như chai chân, loét chân thì 3 tháng phải đi khám bàn chân một lần.

Những khuyến cáo khám bàn chân đã có, Bộ Y  tế cũng đã đưa ra nhưng quy trình khám bàn chân thì chưa được ban hành, các tỉnh chưa có, Bộ Y tế chưa có. Vấn đề này là bức thiết vì khi chưa có quy trình thì việc khám bàn chân chưa thành thói quen mà sẽ khám không đúng, không đạt chất lượng…

Trong khi đó, theo thống kê của Liên Đoàn Đái Tháo Đường Thế Giới (IDF) cứ 20 giây sẽ có 1 bệnh nhân đái tháo đường phải phẫu thuật để cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tay hoặc chân. Đây là điều tệ nhất xảy ra với biến chứng bàn chân ở người bệnh đái tháo đường.

Nguyên nhân là do khi các vi khuẩn xâm nhập vào những vết thương hở ở chân, các tế bào máu như bạch cầu bị ức chế sẽ không đủ hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn. Vết thương bị nhiễm trùng lan rộng buộc phải cắt cụt chân để bảo đảm an toàn cho người bệnh.

“Nếu không có những quy trình hướng dẫn rõ ràng thì nguy cơ BN ĐTĐ bị loét bàn chân rất cao… điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân cũng bị cắt cụt chi rất lớn.

Trong khi nếu có quy trình chuẩn, bác sĩ sẽ nhận ra được các yếu tố nguy cơ loét, phát hiện được các mức độ thấp, vừa, cao sẽ có hướng xử lý kịp thời. Nếu BN có dấu hiệu tiền loét thì sẽ xử lý ngay thì không còn loét và loại bỏ khả năng cắt cụt.

Tiếc là hiện chưa có quy trình chuẩn. Sẽ không phát hiện được nguy cơ loét trong khi tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ ngày càng tăng. Điều này đồng nghĩa nhiều bệnh nhân bị cắt cụt mất chi”, BS Đỗ Đình Tùng lo ngại.

Ts. Đỗ Đình Tùng – thăm khám lại và tư vấn cho người bệnh người nhà tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà nội

Do đó, ngoài việc cần phải đi khám định kỳ, dùng thuốc đúng chỉ định TS.BS Đỗ Đình Tùng cũng đưa ra khuyến cáo đối với người mắc ĐTĐ  cần thực hiện: kiểm soát đường huyết, ăn uống theo sự chỉ dẫn của bác sĩ – không kiêng nhiều quá nhưng cũng không lạm dụng quá.

Trong đó, người bệnh cần lưu ý luyện tập đúng cách. Đặc biệt đối với BN có tổn thương ngoại vi thì phải có cách luyện tập khác với BN bình thường.

Theo đó, người ĐTĐ chưa có dấu hiệu tổn thương ngoại vi thì có thể đi bộ 30phút- 1h tuỳ theo bệnh nhân trong mỗi ngày nhưng với BN ĐTĐ có nguy cơ loét bàn chân thì không được đi bộ nữa và phải chọn phương pháp khác như đạp xe, bơi lội, tập yoga…

“Tất cả bệnh nhân mắc ĐTĐ có bất thường như: chai chân lớn, phồng rộp, nốt đen, nốt tím, những biến đổi màu sắc, biến đổi móng, biến đổi về da… là phải đến viện khám ngay, thường xuyên theo dõi.

Nếu bệnh nhân  ĐTĐ đã bị loét bàn chân thì nguy cơ tái lại rất lớn chính vì thế bệnh nhân có loét là phải tái khám định kỳ đặc biệt là bàn chân tránh những hậu quả đáng tiếc về sau”, TS. BS Đỗ Đình Tùng nhấn mạnh.

https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/nam-giuong-mat-xa-tieu-giam-mo-bung-nu-benh-nhan-dai-thao-duong-ty-phai-cat-cut-chan-266355.html

N. Huyền