Polyp đại trực tràng thường được phát hiện một cách tình cờ khi nội soi đại trực tràng. Một số ít trường hợp có thể gây biến chứng như chảy máu, tắc ruột hay thậm chí tiến triển thành ung thư. Bài viết giúp hiểu rõ: Polyp đại trực tràng là gì? Có những nguy cơ gì? Chẩn đoán và điều trị như thế nào?
I. Bệnh polyp đại trực tràng là gì?
- Polyp đại tràng là một khối u nhỏ hình thành trong lòng đại tràng (ruột già). Hầu hết các polyp đại tràng là lành tính nhưng qua thời gian, một số polyp đại tràng có thể phát triển thành ung thư đại tràng, gây tử vong khi được tìm thấy ở giai đoạn muộn.
- Bất cứ ai cũng có thể bị polyp đại tràng, tuy nhiên 90% Polyp đại trực tràng gặp ở những bệnh nhân trên 50 tuổi.
- Polyp đại trực tràng thường không gây ra triệu chứng. Điều quan trọng là phải tầm soát thường xuyên, chẳng hạn như nội soi đại tràng bởi vì polyp đại tràng phát hiện ở giai đoạn sớm thường có thể được cắt bỏ hoàn toàn và an toàn mà không cần phải mổ
II. Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh polyp đại trực tràng?
Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi chủng tộc, tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mác bệnh bao gồm:
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt
- Chế độ ăn nhiều chất béo
- Chế độ ăn nhiều thịt đỏ
- Chế độ ăn ít chất xơ
- Hút thuốc lá
- Béo phì
- Tuổi: 90% các trường hợp polyp đại trực tràng xảy ra sau 50 tuổi, do đó, sàng lọc ung thư đại trực tràng thường được khuyến nghị bắt đầu ở tuổi 50 cho cả hai giới.
- Tiền sử gia đình: Polyp và ung thư đại trực tràng có xu hướng gặp nhiều người trong gia đình, cho thấy các yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển polyp. Do đó sàng lọc ung thư đại trực tràng nên bắt đầu ở độ tuổi sớm hơn ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư hoặc polyp.
III. Polyp đại trực tràng có nguy hiểm không?
Polyp đại trực tràng thường là lành tính, nhưng sẽ nguy hiểm nếu chẩn đoán muộn
- Polyp đại trực tràng thường không có triệu chứng, tuy nhiên nếu kích thước lớn có thể gây các biến chứng như: chảy máu, tắc ruột, điều trị sẽ khó khăn hơn
- Đa số polyp đại tràng là lành tính nhưng một số trường hợp có khả năng trở thành ác tính (ung thư). Vì vậy cần phải lưu tâm, cảnh giác, không được chủ quan, bởi vì, rất có thể diễn biến thành ung thư bất cứ lúc nào.
- Nguy cơ tiến triển ung thư của polyp phụ thuộc vào: kích thước polyp (càng lớn nguy cơ càng cao); số lượng polyp( càng nhiều nguy cơ càng cao); tính chất polyp (đánh giá qua nội soi đại tràng )
IV. Triệu chứng của polyp đại trực tràng
Hầu hết polyp không gây triệu chứng, mà bệnh thường được phát hiện tình cờ qua nội soi đại trực tràng kiểm tra sức khoẻ
- Dấu hiệu thường thấy nhất ở bệnh nhân mắc phải bệnh này là chảy máu từ trực tràng hoặc có máu lẫn trong phân.
- Polyp lớn có thể gây tắc ruột với các triệu chứng:đau bụng, nôn…
- Trường hợp hiếm gặp hơn là polyp trực tràng lớn có thể tụt xuống và sa ra qua lỗ hậu môn.
V. Khi nào bạn cần gặp bác sỹ
Để được chẩn đoán sớm polyp đại trực tràng khi bệnh chưa có biến chứng, đặc biệt là khi bệnh chưa tiến triển thành ác tính, bạn cần đến khám bác sỹ khi:
- Có rối loạn tiêu hoá: đau bụng kéo dài, đại tiện lẫn máu, đại tiện lúc táo, lúc lỏng, khuôn phân nhỏ dẹt….
- Có bệnh viêm mạn tính đại trực tràng: viêm đại trực tràng chảy máu, crohn
- Tiền sử trong gia đình có người bị ung thư đại trực tràng
- Những người trên 50 tuổi: có nguy cơ mắc polyp cao hơn người trẻ và nguy cơ tăng dần theo tuổi
VI. Chẩn đoán Polyp đại trực tràng
Nội soi đại tràng là cách tốt nhất để chẩn đoán và điều trị polyp đại trực tràng vì:
- Cho phép phát hiện tất cả các polyp trong lòng đại trực tràng: số lượng, kích thước, tính chất…
- Cho phép sinh thiết polyp làm xét nghiệm tế bào giúp khẳng định tính chất polyp( lành tính hay ác tính)
- Qua nội soi đại trực tràng có thể cắt bỏ polyp trong đa số các trường hợp mà không cần phải mổ
- Các polyp thường không có triệu chứng, do đó nội soi đại trực tràng là phương pháp duy nhất chẩn đoán được bệnh
VII. Điều trị polyp đại trực tràng
- Cắt polyp đại trực tràng qua nội soi ống mềm: Đây là phương pháp chính trong điều trị polyp đại trực tràng. Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ tiến hành cắt polyp ngay trong quá trình nội soi đại tràng. Đây được xem là một thủ thuật đơn giản, rất ít gây xâm lấn đến những mô lành xung quanh, bệnh nhân không đau và hầu như không cần phải nằm viện.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ một phần đại tràng hoặc trực tràng thường được chỉ định khi polyp quá lớn không thể cắt bỏ tại chỗ qua nội soi ống mềm hoặc polyp đã ung thư hoá. Phần ruột có polyp sau khi cắt bỏ sẽ được xét nghiệm tế bào để chẩn đoán xác định và chẩn đoán giai đoạn bệnh. Nếu ung thư giai đoạn muộn có thể bệnh nhân sẽ cần điều trị thêm bằng hoá chất sau mổ.
- Do đó: chẩn đoán sớm khi polyp còn nhỏ và chưa tiến triển thành ung thư là cách duy nhất giúp khỏi bệnh hoàn toàn, với chi phí thấp.
VIII. Phẫu thuật nội soi cắt polyp trực tràng qua đường hậu môn (kỹ thuật TEM)
- Đây là kỹ thuật mới được áp dụng tại Việt nam. Với nhiều ưu điểm của phẫu thuật ít xâm lấn như: có thể cắt khối u tại chỗ thay vì phải cắt bỏ trực tràng, bảo tồn được cơ thắt, tai biến, biến chứng ít…
- Kỹ thuật TEM được chỉ định rộng rãi nhất trong cắt tại chỗ các polyp lớn trực tràng không thể cắt qua nội soi ống mềm và một số ít trường hợp ung thư trực tràng giai đoạn sớm.
- Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy TEO là một kỹ thuật an toàn, hiệu quả với tỷ lệ tái phát thấp, ít đau, không sẹo mổ, tai biến, biến chứng thấp, thời gian nằm viện ngắn
- Trung tâm kỹ thuật cao- BV Xanh Pôn (Hà Nội) là một trong những Đơn vị đầu tiên ở Việt Nam thực hiện và báo cáo kỹ thuật này với kết quả rất tốt, giúp cho nhiều bệnh nhân tránh được phẫu thuật cắt trực tràng, bệnh nhân hồi phục sớm, rất ít đau, sớm trở về với sinh hoạt hàng ngày.
Ths: Nguyễn Ngọc Đan